Với các thiết bị di động thì thời lượng PIN là một vấn đề quan trọng mà có lẽ hầu hết khá nhiều người dùng quan tâm. Chắc hẳn ai cũng muốn thiết bị của mình sử dụng được lâu, không phải sạc thường xuyên, yên tâm sử dụng máy mà không lo hết pin… Có lẽ chính vì tâm lý này mà các phần mềm tiết kiệm pin luôn thu hút được sự quan tâm của khá nhiều người dùng. Điển hình như ứng dụng DU Battery Saver hay Battery Doctor (Battery Saver) đều có trên 100 triệu lượt tải xuống và cài đặt. Chưa kể những nguồn cài đặt không qua Play Store.
Vừa qua mình có thử nghiệm sử dụng phần mềm tiết kiệm pin DU Battery Saver trên máy của mình là Note 3 Neo, tuy thời gian trải nghiệm không được lâu nhưng mình có một số đánh giá như dưới đây để các bạn tham khảo và lựa chọn.
Thông tin:
Dòng máy trải nghiệm: Note 3 Neo
Pin: Li-Ion / 3100 mAh / 3.8V / 11.78Wh
Thực ra với dòng Note thì pin cũng khá khủng rồi, và thời gian thực tế sử dụng khi chưa cài phần mềm DU Battery Saver vào cũng khá lâu. Nếu dùng liên tục thì được >12h; để trong chế độ chờ, sử dụng trung bình thì được >1 ngày. Với 1 máy có màn hình 5.5″, nhiều ứng dụng mặc định chạy ngầm (máy chưa root nên còn nhiều ứng dụng mặc định của NSX) mà thời gian sử dụng như vậy là khá ổn rồi.
Tuy nhiên mình muốn kiểm tra xem các phần mềm này có thực sự tốt như tác giả của nó giới thiệu hay không, nào là “ứng dụng tiết kiệm pin hàng đầu thế giới“, rồi thì “tiết kiệm đến 50% thời gian sử dụng pin“… Trước hết, mình giới thiệu qua về ứng dụng DU Battery Saver sau đó đánh giá về giá trị thực của ứng dụng.
Sau khi cài đặt, nhấn vào biểu tượng của ứng dụng, bạn sẽ thấy một giao diện như sau
Ở màn hình chính của chương trình có thông báo rất chi tiết về các thông số: Nhiệt độ pin, Điện áp của pin, biểu đồ sử dụng pin… Ở dưới cùng là các tab với các tính năng khác. Bạn có thể lựa chọn các thông tin sẽ hiển thị trên màn hình chính của ứng dụng.
Nhấn sang tab Tiết kiệm:
Ở đây có 3 chế độ cơ bản để bạn lựa chọn: Dài, Thường, Nghỉ. Ở chế độ Dài, nó sẽ tắt hết các ứng dụng để kéo dài thời gian sử dụng pin. Chế độ Thường sẽ đảm bảo duy trì các tính năng cơ bản, và chế độ nghỉ sẽ chỉ cho phép các ứng dụng cơ bản để đảm bảo bạn được nghỉ ngơi thư giãn mà không bị làm phiền.
Riêng chế độ “Chế độ của tôi” là một chế độ tùy chọn, bạn có thể tùy chỉnh bằng cách nhấp vào hình chiếc bút.
Khi cài đặt vào, đây là chế độ có sẵn trên máy mà bạn đã thiết lập. Bạn có thể thay đổi các chi tiết như: Độ sáng màn hình, thời gian chờ, rung….
Bên cạnh đó, nó còn có một “Chế độ thông minh” nữa, tuy nhiên tính năng này bạn phải có coin mới sử dụng được, hoặc là nâng cấp lên bản Pro. Cách kiếm coin thì xem ở dưới
Tiếp theo là tab Hộp công cụ. Đây là nơi giới thiệu các ứng dụng khác từ DU hoặc từ các quảng cáo của DU. Một số ứng dụng có chữ màu vàng như +110, +300… tức là khi cài ứng dụng này thì bạn sẽ được cộng từng đó coin vào DU của bạn. DU nó không có tài khoản, do đó bạn không thể cài ứng dụng, kiếm coin từ 1 máy và sử dụng coin ở máy khác. (Coin là một đơn vị tính tiền tệ trên ứng dụng của DU). Theo mình thì bạn không nên cài các ứng dụng từ đây vì dễ dính virus lắm.
Qua tab Tình trạng, bạn sẽ được biết về tình trạng pin. DU có 3 chế độ sạc là Sạc nhanh, khi pin >20%, nó sẽ tiến hành sạc nhanh, đến khi đạt 90% nó sẽ chuyển sang chế độ Sạc nhỏ giọt. Nếu pin <20% thì nó lại thực hiện chế độ sạc hiệu quả, và DU khuyên bạn 1 tháng nên thực hiện 1 lần.
Click vào hình từng chế độ sạc để biết thêm chi tiết
Khi nhấn vào hình cuốn lịch, bạn sẽ biết chính xác những thời điểm cắm sạc của máy và sử dụng chế độ sạc nào, sạc thường hay sạc hiệu quả.
Chuyển sang tab Giám sát, bạn sẽ thấy những ứng dụng nào ngốn hết nhiều pin nhất. Và bấm dừng để tắt những ứng dụng không cần thiết (cái nào biết thì bấm nhé, không là lỗi hệ thống cả đấy. Nếu bị lỗi thì khởi động lại máy là được).
Từ bất kỳ tab nào, khi nhấn vào hình nửa người ở góc phải màn hình, bạn sẽ vào được menu này
Nhấn vào hình cái ốc, bạn sẽ có nhiều lựa chọn cài đặt cho ứng dụng.
Từ đây, bạn có thể bật/tắt thông báo của DU Battery Saver trên thanh thông báo…
Bây giờ mình sẽ so sánh thời gian sử dụng pin trước và sau khi cài đặt ứng dụng này. Các ứng dụng mình sử dụng để test chỉ có các ứng dụng cơ bản như Facebook, Zalo, Chrome… Không chơi game, không nghe nhạc. Do đó kết quả đánh giá theo mình là khách quan, không có ý nói xấu hay dìm DU Battery Saver, bởi có làm thế mình cũng chả được gì.
Trước khi cài đặt ứng dụng, thời gian sử dụng pin khi dùng máy ở mức độ vừa phải thì kéo dài được >1 ngày
Mình sạc đầy pin trước khi ngủ, sau đó chơi game 1 lúc rồi để máy đó ngủ, tức là khoảng 2 giờ là tắt hết game và ứng dụng, để chờ và không sử dụng, đến lúc mình chụp lại màn hình là 8h21p, như các bạn thấy, lượng pin hao hụt không đáng kể. (Do sơ suất nên quên không chụp lại hình lúc 2h). Để qua đêm, nếu bật wifi thì pin giảm 1%, còn không bật wifi, 3G thì không bị giảm % nào.
Đây là thời gian On Screen (bật màn hình liên tục) và sử dụng máy hầu như liên tục cả ngày, được >14h30p.
Còn sau khi cài ứng dụng DU Battery Saver vào, thời gian sử dụng pin thực sự là giảm đáng kể. Chỉ việc để máy qua đêm thôi cũng đã giảm 6% rồi. Thời gian sử dụng liên tục <12h. Vì cài DU Battery Saver vào, pin giảm quá nhanh nên sau 1 ngày rưỡi cài đặt, mình đã vội gỡ ngay ứng dụng này ra. Chỉ nói suông thì có thể là hơi oan, nhưng thực sự là vậy. Hãy tin mình đi. dưới đây là một số hình ảnh về thời gian sử dụng pin với DU Battery Saver.
Lúc 02:44 ngày 28/02: Còn 91% dung lượng pin
Đến 09:07, pin còn 77%. Như vậy trong thời gian chờ qua đêm, pin đã bị giảm khá nhiều, cụ thể là 14%.
Lúc 19:04 thì chỉ còn 11%. Như vậy thời gian thực sử dụng chỉ có chưa đầy 10h 🙁
Đồ thị sử dụng pin trong ngày
Lúc đó bắt đầu cắm sạc pin luôn, đến 21:24p. Tức là thời gian sạc pin hết 2h20p (từ 11% lên 100%), cũng bình thường.
Biểu đồ sạc pin.
Theo như tính toán và kết quả các bạn xem trên hình ảnh thì cũng rõ, khi cài phần mềm tiết kiệm pin DU Battery Saver vào, thời gian sử dụng pin bị giảm đi đáng kể.
Bởi vì bản chất của các ứng dụng tiết kiệm pin, bác sĩ chăm sóc pin… đều là tắt bớt các ứng dụng mà khi mình không dùng đến nữa, hoặc thay đổi chế độ kết nối… Mà những cái này bạn có thể tự thực hiện bằng tay được, đúng không? Không chỉ thế, các ứng dụng tiết kiệm pin hầu hết đều phải chạy ngầm thì chúng mới theo dõi được các ứng dụng đang chạy khác để tắt chúng, hoặc thống kê thời lượng sử dụng pin của chúng, theo dõi các chế độ kết nối để thay đổi theo cài đặt của mình… Ngoài ra các ứng dụng tiết kiệm pin còn chạy các quảng cáo để người dùng cài đặt thêm các ứng dụng khác từ tác giả… Do vậy, khi cài đặt các ứng dụng tiết kiệm pin vào không những không tiết kiệm được pin mà còn ngốn thêm một lượng pin đáng kể.
Việc sử dụng Smartphone là để nó đáp ứng nhu cầu công việc, giải trí của mình. Tất nhiên pin đóng 1 vai trò quan trọng trong việc sử dụng thiết bị khi di chuyển… Nhưng có nhu cầu thì mình cứ sử dụng thôi. Khi không sử dụng nữa thì tắt bớt các ứng dụng không cần thiết đi. Bên cạnh đó, đã có Greenify giúp “đóng băng” các ứng dụng khi không dùng đến. Tất nhiên nó cũng chạy ngầm, nhưng nó không có quảng cáo, và nói chung là… nó không tệ như các phần mềm tiết kiệm pin.
Hiện nay, pin được bán khá rộng rãi, với các máy pin rời thì có thể thay thế được; các máy pin liền thì đã có pin sạc dự phòng với giá cũng tương đối dễ chịu (ở mức chấp nhận được). Nếu pin có dấu hiệu kém đi thì bạn đã có lựa chọn thay thế rồi đúng không.
Để pin dùng được lâu, theo các chuyên gia thì khi mới mua máy về bạn nên thực hiện đúng chu trình sạc-xả 3 lần. Tức là khi mới mua máy về, bạn có thể sạc luôn mà ko cần dùng đến khi cạn sạch pin, cắm sạc khoảng 8-10h liên tục. Bạn làm như vậy đủ 3 lần, sau đó dùng bình thường. Trong quá trình sử dụng, bạn không nên sạc pin khi còn quá nhiều (>80%) nhưng cũng ko nên để tới sập nguồn. Nói chung giữ pin trong khoảng 50-80% là ổn. Sau 30 lần sạc, hoặc khoảng 1 tháng dùng máy, bạn lại thực hiện lại chu trình sạc-xả đó 1 lần.
Sắp tới mình sẽ tổng hợp và giới thiệu tới các bạn một bài chi tiết về pin để bạn có cái nhìn tổng thể hơn.
Nguyễn Phùng Hưng
qua thuc minh da dung appm nay roi, rat hay ma minh tim ban cu ko dc, ban co app cu ko gui cho minh nhe thx nhieu nhieu
Bạn có thể vào apkpure.com, aptoide.com hoặc các website chia sẻ file apk uy tín khác để tìm và tải về nhé.