Sunday, September 15, 2024
HomeCuộc sốngĐọc và suy ngẫmXa cách - Phép thử tình yêu

Xa cách – Phép thử tình yêu

Một câu ngạn ngữ rất đúng rằng: Tình yêu trong xa cách như ngọn lửa, thổi bùng lên ngọn lửa to và tắt đi đám cháy nhỏ. (Bussy Rebutin)

Bản lĩnh của tình yêu cũng như con người, nghịch lý thay lại chỉ hình thành lúc thiếu thôn(?). Lúc có tiền ư? Người ta chỉ việc tiêu, nhưng khi cháy túi không một xu, người ta mới thực sự phải dùng đến năng lực chịu đựng để vượt qua, và còn khó hơn, khi những bả vinh hoa phú quý, tiền bạc rủ rê mua chuộc lôi kéo người ta vào sa đọa, thậm chí tội lỗi.Ở đời có bao kẻ khi bị dồn vào túng thiếu đã trở nên miếng mồi sa ngã tội lỗi, hủy hoại chính đời mình?!
Tình yêu cũng vậy. Khi gần bên nhau gối ấp má kề thì tình yêu chỉ có việc hưởng thụ, những vòng tay quấn quít, những nụ hôn đắm thắm, và những lúc tình tự tan cả đất trời… Lúc đó tình yêu chưa chứng tỏ gì nhiều, chỉ có khi xa cách, tình yêu mới bị đặt vào thử thách một mất một còn. Từ Đông qua Tây, có biết bao mối tình trở nên huyền thoại bởi chính thử thách của xa cách.
Nào chuyện nàng Tô Thị chờ đợi mòn mỏi đến hóa đá, hay thiếu phụ Nam Xương nhớ chồng đến độ hàng đêm bế con chỉ bóng trên tường, đó là bố con theo sát chúng ta khi đứng khi ngồi…
Còn bên Địa Trung Hải hình ảnh nàng Pê-nê-lốp đêm đêm tháo tâms vải ra dệt để tìm cách trì hoãn lời hứa cực chẳng đã với đám đàn ông đến cầu hôn “Khi nào dệt xong tấm vải tôi sẽ cưới một người trong số các ông…”.
Cái gì làm nên tình yêu? Có lẽ “nguyên liệu” lớn nhất chính là sự xa cách. Bởi xa cách làm người ta nhớ nhung mòn mỏi, rồi khao khát được gặp mặt, rồi tìm cách gửi đi những lá thư để khơi thông phần nào những nhớ nhung ngày ngày đêm đêm lúc nào cũng dâng ngập ứ tâm hồn.
Có một phương ngôn rằng: “Xa để thử lòng chung, gần để thử lòng kính”. Tình yêu không thể có nếu gần mà người ta không nể trọng nhau, coi thường nhau.
Vì thế, người Trung Quốc mới đưa ra nguyên tắc gìn giữ bạn đời là: “Phu thê tương kính như tân”, tức Vợ- chồng lúc nào cũng phải kính trọng nhau như ngày mới gặp. Nhưng còn khi ở xa, tình yêu ngay lập tức rơi vào phép thử của lòng chung thủy.
Ở gần “sẵn tình” nên dễ dàng vững tâm nhưng khi đã xa nhau, lại thêm ong bướm, tài tử giai nhân rập rình xung quanh, người ta thật khó mà giữ được lòng chung thủy. Lúc đó mới cần bản lĩnh của trái tim. Tình yêu còn lại gì khi đánh mất sự chung thủy cũng là đánh mất chính bản thân nó?
Có lẽ, trên thế gian những ca khúc, bản nhạc hát về tình yêu là nhiều nhất. Và trong những bài ca về tình yêu thì những bài về sự xa cách là nhiều hơn cả. Nào những bài “Chiếc vé một chiều”, tức là nàng ra đi không hẹn ngày trở lại, hoặc “Trở về” tức ngày xa cách đa lóe lên nỗi chờ mong tái ngộ; rồi “Hãy đến bên em” đưa ra thông điệp khát khao muốn xích lại gần; hoặc “Bức thư tình chưa kịp viết…”. Tất cả đều bày tỏ khao khát được lấp đầy khoảng cách từ ta dẫn đến nàng…
Nhưng cái gọi là chung thủy ở thời đại này nghe như có vẻ xa hoa và xa vời lắm! Xa cách ư? Chịu đựng ư? Mòn mỏi đợi chờ ư? Dường như nghe có vẻ là những giấc mơ điên khùng thời cổ điển. Nhiều người hiện đại nghĩ rằng: nhớ nhung làm chi cho mòn mỏi héo tàn. Hãy mở lòng ra mà yêu, chọn người khác, ngay gần ta ấy mà yêu, vừa nhanh, vừa tiện, lại không bị mệt mỏi vì chờ đợi…Mọi thứ tình từ cha con, mẹ con, anh em, bạn bè đều phải có sự chung thủy mới tựu thành, thì tình yêu cũng vậy, nhưng ngang trái thay sự chung thủy của tình yêu là cần thiết nhất nhưng cũng khó có nhất, dễ mất nhất, và cũng khó tìm lại nhất… Tại sao? Vì tình yêu được thiết lập không chỉ giữa hai con người xa lạ mà còn là hai con người chở mang hai khối mưu cầu dục vọng dữ dội và tham lam nhất, như là:
Người mình bao năm chăn gối
Bây giờ còn dối gian nhau
Người đời thường bảo: giá trị của đồ vật chỉ hiện ra khi người ta đánh mất nó. Một đồ vật ở bên ta, như chiếc bật lửa chẳng hạn, ta dùng nó thường xuyên mà chẳng để ý gì đến tiện ích của nó, chỉ khi nó biến mất, ta mới thấy được: không có lửa để nhóm lò, tức không nấu nướng được, người ta bị bỏ đói, bỏ khát, ban đêm thì tối tăm…
Tình yêu cũng vậy, trong khoảng cách nó mới lộ hiện nhiều nhất: Ta yêu người nhiều đến mức nào, như lời bài hát của nhạc sĩ Phú Quang chẳng hạn: “Càng xa nhau anh càng thấy yêu em”…
Có một phương ngôn rằng: “Tình yêu chết vì no chứ không phải vì đói”. Tình no say giống như thanh sắt dính chặt lấy cục nam châm, đến khi nhiễm từ nhau nhiều quá chúng liền rụng ra như một con mòng đã hút no máu. Nhưng tình đói thì càng gieo khao khát, người ta muốn “uống” lấy nhau nhiều hơn mà không biết chán.
Và chờ đợi chính là lúc tâm hồn bị bỏ đói để nó xây lên thước đo cho tình yêu. Vậy thì con người chẳng ngại ngần gì khi phải đối mặt với những xa cách. Cảnh xa cách, người ta dễ nhìn thấy nhất ở đâu? Ở các bến tàu, bến xa, nhà ga, sân bay, bến cảng… Nhưng đó cũng chính là nơi đón chờ những cuộc hội ngộ ý nghĩa, mặn nồng nhất. Có lời bài hát rằng:
Hồi kèn vang trên sân ga giục giã người tình ra đi
Để từ đây in sâu hình bóng người tình thân yêu
Đúng vậy, khi người tình ở bên, ta đâu có chú tâm khắc sâu hình ảnh bạn tình trong tim, bởi lúc nào người cũng có mặt, sự có mặt trân trân đó hiện diện như da thịt, và như chính con người… Nhưng lúc người ra đi, lập tức người không còn hiện diện nữa, thế là trái tim liền bám riết mỗi hình ảnh của người để đúc lên muôn vàn hình ảnh, mong thay thế sự vắng mặt của người.
Tuy nhiên, cả nghìn, cả triệu và cả thế giới mộng mơ nhớ nhung toàn những hình ảnh về người cũng không thể thay thế được con người bằng da bằng thịt… Thế là, tâm hồn càng nhiều hình ảnh về người thì càng khao khát…khao khát đòi gặp mặt.
Tuy xa cách làm mới tình yêu, nhưng người đời có bài học rằng: Chớ đẩy tình yêu vào phép thử, bởi lẽ con tim cũng yếu ớt và mong manh lắm, chớ đục chiếc thuyền một lỗ thủng nhỏ kẻo đánh đắm nó. Vậy thì bạn đừng có bắt bạn tình phải chờ đợi quá lâu, kẻo mũi thuyền mòn mỏi quá đổi hướng gió thì phiền.
Vậy thì hãy biết xa cách, nhưng cũng cần nuôi dưỡng tình yêu.

Theo Hạnh phúc gia đình

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -

Most Popular